Cậu học trò hiếu thảo
“Ngoan, học giỏi, hiền lành, ít nói và hiếu thảo với cha mẹ”- là những lời nhận xét của các thầy, cô giáo và bạn bè khi nói về Vàng Mạnh Quỳnh, dân tộc Thái, học sinh lớp 9A1 (Trường THCS xã Phúc Than, huyện Than Uyên).
Thăm Trường THCS xã Phúc Than vào một ngày cuối tháng 3, chúng tôi cùng thầy hiệu trưởng đến lớp 9A1 - nơi Quỳnh (một trong những học sinh học giỏi toán của trường) đang học tập. Giờ ra chơi, cậu học trò có dáng người cao, gầy, làn da ngăm đen dành cho chúng tôi ít phút thời gian trò chuyện. Được biết, Quỳnh sinh ra và lớn lên tại bản Xa Bó (xã Phúc Than), Quỳnh có 1 em trai đang học lớp 6 cùng trường.
“Em đam mê môn toán học từ hồi học tiểu học vì môn này có rất nhiều bài hay, đề tài logic và gợi trí tưởng tượng. Ngoài ra, em còn thích môn hóa, lý. Em thường làm hết các bài tập trong sách giáo khoa, chú ý nghe giảng. Về nhà, em học thuộc các công thức, nắm vững lý thuyết” - Quỳnh chia sẻ bí quyết. Nhờ sự cần mẫn, chăm chỉ mà suốt từ lớp 1 đến lớp 9, năm nào em cũng đạt học sinh giỏi và là một trong những hạt giống của trường tham dự các kỳ thi học sinh giỏi môn toán cấp huyện. Năm lớp 6, Quỳnh đạt giải nhì môn toán cấp huyện; vừa qua, em giành giải khuyến khích và hiện đang ôn thi chuẩn bị đi thi học sinh giỏi môn toán cấp tỉnh.
Quỳnh hay giúp đỡ bạn bè, hướng dẫn các bạn học yếu hơn làm bài tập. Những hoạt động phong trào của trường, em tham gia tích cực. Em được thầy cô, bạn bè quý mến.
Thầy Bùi Thế Cường - Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Các em nhà xa, ôn thi học sinh giỏi cấp tỉnh trên huyện đều ở bán trú, nhưng riêng Quỳnh thì xin được về nhà, giúp mẹ. Bởi mẹ Quỳnh thường đau yếu, không làm được việc nặng, không động được vào nước lâu, bố đi làm xa, không ai đỡ đần. Nghe chia sẻ của Quỳnh, Ban Giám hiệu rất cảm động và xin Phòng Giáo dục Đào tạo cho em về nhà, những buổi ôn Quỳnh sẽ tự đạp xe lên huyện để học”.
Tan học buổi sáng, chúng tôi theo Quỳnh về nhà ở bản Xa Bó, trước mặt chúng tôi là căn nhà sàn nhỏ, đã rất cũ. Trong căn nhà nhỏ ngoài chiếc tủ, tivi cũ kỹ ông bà nội cho, không có tài sản gì đáng giá. Điều đặc biệt là có rất nhiều giấy khen của Quỳnh và em trai được bố mẹ treo lên tường cẩn thận. Chị Lò Thị Minh (38 tuổi, mẹ của Quỳnh) chia sẻ: “Chồng tôi thường xuyên đi làm ăn xa để trang trải cuộc sống, ở nhà tôi hay ốm đau nên mọi công việc dồn lên Quỳnh. Cháu rất ngoan, biết giúp mẹ công việc. Thương con lắm, nhưng không biết phải làm sao”. Nhìn gương mặt chị xanh xao, những nếp nhăn trên trán, đôi bàn tay nổi những gân xanh khiến chị già hơn so với tuổi.
Trong khi chúng tôi trò chuyện với mẹ, Quỳnh luôn chân luôn tay dọn nhà, chuẩn bị nhóm bếp nấu cơm. Bên bếp lửa cùng em, chúng tôi hỏi: “Ước mơ sau này của em là gì?”, Quỳnh nghẹn ngào một lúc rồi trả lời: “Ước mơ của em là cố học thật giỏi, học xong lớp 12 để phụ giúp gia đình nuôi em trai học. Còn nếu được ước tiếp, em sẽ ước sau này trở thành bác sỹ để chữa bệnh cho mẹ và những người thân xung quanh em”.
Chúng tôi rời nhà Quỳnh khi đã trưa muộn, còn em vẫn bên bếp nấu cơm, đôi mắt to, tròn, đen láy nhưng đượm buồn. Ước mơ của Quỳnh giống như ngọn lửa em đang nhen nhóm, nếu đủ lực ngọn lửa sẽ bùng cháy. Hy vọng, với sự động viên từ phía gia đình, thầy cô, bạn bè, cộng đồng và sự kiên cường, ý chí bản thân, Quỳnh sẽ đạt được ước mơ của mình.