A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện về cô hướng dẫn viên du lịch không chuyên

Du khách tìm đến bản văn hóa du lịch Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) không chỉ bởi khí hậu mát mẻ, trong lành, không gian văn hóa đa màu sắc mà còn ở chính sự khéo léo, nhí nhảnh và có nghề của cô hướng dẫn viên du lịch không chuyên - Hảng Thị Sú (21 tuổi, người dân trong bản).

Đến bản văn hóa Sin Suối Hồ, hỏi nhà Sú không ai là không biết. Vì ở đây, Sú là người dẫn được nhiều đoàn khách du lịch về bản tham quan. Chưa kể, bố của Sú lại là ông Hảng A Sà - người có uy tín của bản. Được biết, Sú vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Dược Hà Nội (năm 2016). Nhân lúc chưa có việc làm, Sú quyết định làm hướng dẫn viên du lịch, thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Rót nước mời chúng tôi uống, Sú chia sẻ: “Tốt nghiệp, em ở nhà phụ giúp bố mẹ làm du lịch như các hộ dân trong bản. Nhận thấy bản chưa thu hút nhiều du khách đến tham quan, đặc biệt là khách nước ngoài, em mạnh dạn lập trang page trên Facebook mang tên “Du lịch sinh thái Sin Suối Hồ” nhằm giới thiệu rộng rãi hơn tiềm năng, thế mạnh của bản. Cũng mất một thời gian, sau đó rất nhiều người nhắn tin hỏi và đặt lịch, trong đó có cả du khách nước ngoài. Đến giờ, em không nhớ mình đã đón và dẫn bao nhiêu đoàn tới Sin Suối Hồ nữa”.

Được biết, dịp hè vừa qua, mỗi tháng Sú đều đón và dẫn từ 10 - 15 đoàn khách du lịch đến bản. Mỗi đoàn đến đây thường nhắn tin qua trang page Facebook cho Sú rồi xin số điện thoại để liên hệ. Trung bình mỗi chuyến dẫn đoàn như vậy, Sú nhận được 300 - 500 nghìn đồng. Theo lời Sú thì du khách nước ngoài rất thích đi với hướng dẫn viên là người dân địa phương, vì như vậy mới có thể tìm hiểu cặn kẽ, sinh động về phong tục, cuộc sống của đồng bào Mông nơi đây. Sú sẽ đưa khách đi khám phá thác nước Tình yêu thơ mộng; ngắm nhìn những ngôi nhà trình tường - văn hóa truyền thống của đồng bào Mông; đắm chìm vào “thánh địa” của loài hoa địa lan, đồi thảo quả bạt ngàn xanh tốt. Bên cạnh đó, theo nhu cầu của khách, gia đình Sú còn làm dịch vụ nghỉ dưỡng tại nhà (home stay), nhận làm cơm với những món ăn đặc sản của người Mông như: lợn cắp nách, gà đồi, cá suối và các loại rau rừng... với mức giá hợp lý. Ngoài ra, gia đình Sú cũng mở một quầy hàng lưu niệm tại chợ Đá.

Chia sẻ về kinh nghiệm làm hướng dẫn viên của mình, Sú nói: “Ban đầu em cũng thấy bỡ ngỡ và không tự tin lắm. Vốn ngoại ngữ kém nên đôi khi giao tiếp với khách nước ngoài rất khó khăn, có chỗ không hiểu. Em cố gắng học thêm ngoại ngữ để tăng cường vốn từ vựng; tìm hiểu lịch sử về bản mình qua những người lớn tuổi trong bản, trên sách, báo về nét văn hóa của dân tộc Mông. Nếu làm tốt công việc hướng dẫn viên du lịch sẽ là cầu nối quan trọng giới thiệu, quảng bá nét văn hóa truyền thống địa phương tới bạn bè, du khách trong và ngoài nước, vậy nên em luôn tự nhủ phải làm cho du khách hài lòng, thích thú và muốn trở lại nhiều lần tiếp theo”.

Anh Vàng A Chỉnh - Trưởng bản Sin Suối Hồ cho biết: “Từ ngày Sú chia sẻ hình ảnh của bản văn hóa du lịch Sin Suối Hồ lên trang mạng xã hội Facebook đã có nhiều đoàn khách du lịch đến bản. Bà con rất vui và phấn khởi khi hình ảnh của bản được thêm nhiều người biết đến”.

Bằng tất cả sự nhiệt huyết của tuổi trẻ cũng như tình yêu giành cho quê hương nơi mình sinh ra và lớn lên, Hảng Thị Sú xứng đáng là tấm gương tiêu biểu trong việc quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương đến với mọi miền đất nước. Hi vọng, một ngày không xa, bản văn hóa du lịch Sin Suối Hồ sẽ có thêm nhiều hơn nữa những tấm gương như Sú để góp phần đưa Sin Suối Hồ ngày một phát triển.


Nguồn: tinhdoan.laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: