Đưa hương chè bay xa
Dáng người cao với nụ cười hồn hậu luôn thường trực trên khuôn mặt tạo cho người đối diện cảm giác dễ gần - đó là những gì chúng tôi thấy được khi gặp Tòng Thị Xuân. Qua giới thiệu được biết, Xuân sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tam Đường - nơi có chè cổ thụ - “vàng xanh” của vùng Tây Bắc. Năm 2013, sau khi học xong THPT, Xuân theo học Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu khoa Lâm sinh. Sau khi ra trường (năm 2016), Xuân ở nhà phụ giúp bố mẹ, đến năm 2017 xin vào Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Chè Tam Đường (gọi tắt là công ty). Nhớ lại những ngày đầu mới vào nghề, Xuân chia sẻ: Chưa khi nào em nghĩ sẽ gắn bó và đam mê tìm hiểu về chè như bây giờ. Hương vị chè của Lai Châu không chỉ thơm ngon nức tiếng bởi hương thơm nồng nàn, vị ngọt hậu, nước xanh, mà còn đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhưng để quyết định chè ngon hay không, vị của từng loại chè như thế nào để chinh phục người thưởng thức nhớ đến, tìm mua sử dụng lâu dài thì phải do người pha chế biết sử dụng lượng nước ở từng nhiệt độ, thời gian pha trà khác nhau cho từng loại để có được trà thơm, ngọt ở đầu lưỡi “mê hoặc” người thưởng thức. Những điều đó em đã làm và đang tiếp tục học hỏi, phát huy để góp phần đưa chè Lai Châu đến với bạn bè trong và ngoài nước.
Người uống trà phải biết cách thử nếm trà và cảm nhận vị đắng, ngọt của trà mang lại nơi đầu lưỡi. Nhưng trà ngon hay không là do người pha chế. Nên khi vào công ty, Xuân được hỗ trợ theo học cách nhận biết, pha trà và tự tìm tòi, học hỏi trên sách báo, internet… Hiện, công ty có rất nhiều loại trà và mỗi loại có một cách pha riêng. Ví dụ như: chè Đông phương Mỹ Nhân khi pha phải biết chọn nhiệt độ nước khoảng 92 - 95 độ C hoặc chè Kim Tuyên nhiệt độ nước khoảng 80 - 85 độ C (tùy nhiệt độ bên ngoài). Nếu như có những người phải dùng nhiệt kế để đo nhiệt độ nước thì những người có kinh nghiệm lâu năm sẽ biết cách cảm nhận, căn thời gian sao cho đạt nhiệt độ mong muốn và Xuân đã làm được điều đó.
“Có những đêm đọc đi đọc lại một đoạn trong một cuốn sách dạy cách pha trà hay tìm hiểu về cách nhận biết trà trên mạng internet mà không biết trời đã sáng từ lúc nào? Cũng từ những cuốn sách, câu chuyện nói về trà đã làm em thêm đam mê và yêu nghề của mình hơn”- Xuân chia sẻ thêm.
Không chỉ vậy, để người thưởng trà cảm nhận trà ngon hay không là một câu chuyện. Xuân thường xuyên đăng tải những sản phẩm chè của công ty nói riêng, chè Lai Châu nói chung; tự viết, sưu tầm những bài viết về văn hóa uống trà; cách pha trà... trên mạng xã hội Facebook để giới thiệu, quảng bá hình ảnh chè Lai Châu. Đặc biệt, để đưa hương chè bay xa, được bạn bè cả nước và quốc tế biết đến, năm 2017, Xuân đăng ký tham gia cuộc thi Tea Masters Cup Việt Nam do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Chè Việt Nam tổ chức nhằm tôn vinh những nghệ nhân trẻ có tâm huyết, lòng đam mê và sáng tạo nghệ thuật trong pha chế và bày trí tiệc trà. Tại cuộc thi, Xuân đã giới thiệu cho bạn bè trên cả nước về các loại chè của Lai Châu, cách pha chế chè. Với những nỗ lực của bản thân, Xuân dành giải nhất phần thi pha trà và trở thành 1 trong 3 người đại diện cho Việt Nam thi Tea Masters Cup International 2018 tranh tài với 29 nghệ nhân trà đến từ 15 quốc gia trên thế giới. Từ kinh nghiệm học được, những tích lũy của bản thân, Xuân vinh dự dành giải ba phần thi “Thử nếm trà”. Và, hiện Xuân là người pha chế trà duy nhất của công ty.