• :
  • :
KỲ NGHỈ HỒNG Sinh hoạt chính trị “Nhớ về Bác - Lòng ta trong sáng hơn” nhân dịp 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024) Nhận thấy người khuyết tật di chuyển khó khăn trên chiếc xe lăn khi đi trên đường để mưu sinh hằng ngày, nhóm sinh viên đã nghiên cứu dự án "Cải tạo xe lăn thường thành xe lăn điện". Rời giảng đường đại học, chị Trần Mai Vy về huyện biên giới Sa Thầy (Kon Tum) làm cô giáo dạy học. Từ đây, hành trình giúp đời của chị bắt đầu. Huyện đoàn Sìn Hồ: Tổ chức Hội nghị tuyên truyền chủ quyền biển đảo, biên giới cho thanh thiếu nhi năm 2024 Nhìn về một hướng, tránh phát ngôn hồ đồ Cảnh giác với âm mưu lợi dụng thiên tai để xuyên tạc, chống phá Phát động đợt sinh hoạt chính trị “Nhớ về Bác - Lòng ta trong sáng hơn” nhân dịp 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024) Hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân đăng ký, sử dụng dịch vụ công trực tuyến 10 nghìn chiếc bánh chưng từ Nghệ An 500 chiếc bánh tét từ Đà Nẵng Tất cả hàng hoá đang được xuyên đêm sẵn sàng để cứu trợ cho bà con miền Bắc. Nhặt vỏ sò về làm đồ thủ công, cô gái thu về hơn 20 triệu đồng/tháng Kiên trì đấu tranh với âm mưu “phá bĩnh” quan hệ láng giềng
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lời hiệu triệu yêu nước, bảo vệ độc lập dân tộc

(HCM.VN) - Cách đây 76 năm, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với đồng bào cả nước và nhân dân các dân tộc trên thế giới về nền độc lập của dân tộc Việt Nam và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Tuyên ngôn, là ngọn cờ hiệu triệu sức mạnh yêu nước của toàn thể dân tộc Việt Nam đứng lên đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững nền độc lập mới giành được. Lời hiệu triệu yêu nước ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị và được Đảng Cộng sản Việt Nam phát huy cao độ trong bối cảnh đất nước hiện nay.

Ảnh tư liệu

1.Tuyên ngôn Độc lập - sự kết tinh của tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập và quyết tâm bảo vệ độc lập của dân tộc Việt Nam

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhiều phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta thất bại. Các cuộc khởi nghĩa theo ngọn cờ Cần Vương, đến các cuộc vận động và tổ chức phong trào yêu nước tiến bộ của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh; phong trào Đông Kinh nghĩa thục hay cuộc khởi nghĩa Yên Bái,…đều bị thực dân Pháp khủng bố tàn bạo. Sự nghiệp giải phóng dân tộc trở thành nhu cầu vô cùng bức thiết đối với Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã ra đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Con đường cứu nước của Người đáp ứng khát vọng giải phóng đất nước, giải phóng nhân dân, mang lại độc lập tự do cho dân tộc. Nhằm thực hiện khát vọng đó, Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo nhân dân làm cách mạng qua 3 cao trào (1930-1931; 1936 - 1939; 1939-1945) với tinh thần yêu nước, sự đoàn kết, phấn đấu, nỗ lực, hy sinh của nhiều thế hệ cha anh, nhiều đảng viên và lãnh đạo của Đảng,…Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, với tinh thần yêu nước mãnh liệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành công to lớn. Tuyên ngôn Độc lập, là sự tái thể hiện và khẳng định thành quả của cách mạng tháng Tám, thành quả của lòng yêu nước, khát vọng giải phóng dân tộc của toàn thể nhân dân Việt Nam.

Đúc kết từ lịch sử dân tộc, từ sự tất yếu của quy luật tự nhiên, từ văn minh nhân loại và từ sự hy sinh, cống hiến hàng ngàn đời của dân tộc Việt Nam, Tuyên ngôn Độc lập khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(1). Lời khẳng định đó không chỉ thể hiện mạnh mẽ quyền độc lập của dân tộc Việt Nam, mà còn khẳng định ý chí quyết tâm của toàn thể nhân dân Việt Nam bằng mọi giá quyết giữ vững quyền độc lập, tự do của dân tộc. Đây chính là lời hiệu triệu của Đảng, của lãnh tụ Hồ Chí Minh tới mọi người dân Việt Nam hãy đứng lên bảo vệ độc lập, chủ quyền, bảo vệ vững chắc những thành quả của cách mạng tháng Tám mới giành được.

Lời hiệu triệu yêu nước, quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập, thành một sức mạnh to lớn, thôi thúc mọi người dân từ già, trẻ, gái, trai ở mọi tầng lớp, lứa tuổi đứng lên chống kẻ thù xâm lược là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Ngay khi chính quyền cách mạng vừa mới thành lập phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Hưởng ứng Lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân Việt Nam đã nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết một lòng, từng bước nhường cơm, sẻ áo, tăng gia sản xuất,…để chống giặc đói. Bị thực dân Pháp đô hộ, dân ta không được học hành, phải đi làm thuê trên cánh đồng, nhà máy của đất nước mình và vì vậy đa số nhân dân bị mù chữ. Thực hiện lời dạy của Bác, người biết chữ nhiều dạy người biết ít, người biết ít dạy người chưa biết,…đã giúp cho nhân dân dần thoát nạn mù chữ. Đối với vấn đề giặc ngoại xâm, khi toàn thể nhân dân Việt Nam đều mong muốn hòa bình và đã nhiều lần tìm kiếm độc lập trong hòa bình, nhưng thực dân Pháp không từ bỏ ý đồ xâm lược, muốn xâm chiếm đất nước Việt Nam. Do đó, ngày 19-12-1946, tiếp lời hiệu triệu của Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến:

“Không ! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ !”(2).

Hưởng ứng Lời hiệu triệu trong Tuyên ngôn Độc lập và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, toàn thể nhân dân Việt Nam với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết một lòng, khát vọng độc lập tự do, không quản hy sinh xương máu, của cải vật chất, đứng lên vượt qua mọi đàn áp, khủng bố, súng đạn của kẻ thù, làm nên thắng lợi của Chiến dịch Việt Bắc – Thu Đông (năm 1947), chiến dịch Biên Giới (năm 1950), đặc biệt là Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Miền Nam vẫn bị đế quốc Mỹ cai trị, hai miền bị chia cắt với nhiều nỗi đau thương mất mát. Không chịu sự chia cắt, không khuất phục sự khủng bố dã man của đế quốc Mỹ, hàng vạn người con miền Bắc nghe lời kêu gọi của Đảng, của Bác lại khoác ba lô ra chiến trường, vào miền Nam thân yêu. Cuộc chiến tranh ở miền Nam còn đang khốc liệt, đế quốc Mỹ lại mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, một lần nữa lời hiệu triệu của Tuyên ngôn Độc lập, cùng với lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”(3) (1966) lại vang vọng non sông. Nhân dân hai miền Nam - Bắc đoàn kết một lòng, sẵn sàng hy sinh, cống hiến, vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Thất bại trong việc ném bom phá hoại miền Bắc và trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân (1968), buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và đi đến ký Hiệp định Paris (1973), chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ngày 30-4-1975 toàn thắng, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước oanh liệt của nhân dân Việt Nam. Từ thời điểm lịch sử này, dân tộc Việt Nam hoàn toàn thoát khỏi cách nô lệ của thực dân, đế quốc, đất nước thống nhất, khát vọng độc lập tự do của nhân dân ta đã thành hiện thực.

2.Phát huy tinh thần yêu nước, lời hiệu triệu non sông trong Tuyên ngôn Độc lập vào công cuộc phòng, chống đại dịch Covid -19 hiện nay

Sức mạnh của lời hiệu triệu yêu nước trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 ngày càng được nhân rộng và tiếp thêm sức mạnh trong thực tiễn cách mạng Việt Nam. Sau 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện những di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước ta ngày càng đạt được những thành tựu to lớn, trở thành một nước đang phát triển, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; khối đại đoàn kết dân tộc không ngừng được củng cố; chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng, độc lập, chủ quyền được giữ vũng; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ to lớn, vai trò và vị thế cao như ngày nay. Từ một nước nhược tiểu, nghèo đói, ngày nay Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế không ngừng rộng mở, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư được tăng cường. Việt Nam đã tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế và thiết chế hợp tác kinh tế đa phương, có vai trò, tiếng nói quan trọng trong khu vực và trên thế giới”(4).

Cuối năm 2019, đầu năm 2020, khi nhân dân Việt Nam và nhân dân toàn thế giới đang phải đối mặt với đại dịch Covid 19, sức mạnh của tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách của toàn dân tộc lại trỗi dậy. Với tính chủ động và nhiều sáng tạo, Việt Nam đã đạt thành công lớn trong việc đảm bảo an toàn tính mạng người dân, kiểm soát và từng bước đẩy lùi đại dịch Covid 19 lần 1. Nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương và nhân dân cả nước vào cuộc chiến chống dịch, ngày 30-3-2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết cùng chống dịch Covid - 19. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài  hãy đoàn kết  một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt và hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phong, chống dịch bệnh”(5).

Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thể hiện tính chủ động, trách nhiệm của người đứng đầu Đảng, Nhà nước trước những khó khăn của đất nước, đồng thời cũng thể hiện rõ những quyết sách kịp thời, quyết liệt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Ý chí quyết tâm vì dân của Đảng, lấy tinh thần, sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, là mục tiêu hàng đầu, đã được nhân dân cả nước tin yêu, đồng lòng, chung sức, hơn lúc nào hết “Ý Đảng - Lòng Dân” đã hợp thành một sức mạnh to lớn chiến thắng kẻ thù Covid - 19 (TG nhấn mạnh).

Ngày 29-7-2021, trong bối cảnh đại dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, khó lường, số ca bệnh tăng nhanh nhất là ở các tỉnh phía Nam, một lần nữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết, nỗ lực chiến thắng đại dịch: “Với tinh thần chống dịch như chống giặc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”(6).

Chỉ trong 15 tháng, ở vào thời điểm đất nước gặp nhiều khó khăn do kẻ thù vô hình - Covid gây ra, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của nhân dân, đến những tổn thất về kinh tế của đất nước, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam hai lần ra Lời kêu gọi nhằm hiệu triệu tinh thần yêu nước, sức mạnh đoàn kết, ý chí kiên quyết, chung sức, đồng lòng chống dịch Covid -19. Như vậy, kể từ năm 1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập hiệu triệu lòng yêu nước, ý chí bảo vệ độc lập dân tộc, đến năm 1946, Người ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, hiệu triệu toàn dân đoàn kết một lòng đứng dậy đánh đuổi thực dân Pháp, đến năm 1966, lời hiệu triệu của Người “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, kiên quyết đánh bại đế quốc Mỹ, toàn Đảng, toàn dân với lòng yêu nước, ý chí dân tộc, đã vượt lên tất cả, làm nên nhiều thắng lợi, kết thúc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước. Đến nay, làm theo những lời kêu gọi, lời hiệu triệu của Chủ tịc Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam dù ở những thời điểm lịch sử khác nhau, kẻ thù khác nhau, nhưng vì độc lập dân tộc, lấy tính mạng, sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu đã quyết tâm huy động toàn bộ sức người, sức của, sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc để nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh bảo vệ nhân dân, giữ vững những thành quả kinh tế, xã hội của đất nước. Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức vì sự bùng phát của đại dịch Covid-19 có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp của dân tộc để chiến thắng đại dịch.

Hưởng ứng những Lời kêu gọi của Tổng Bí thư và các biện pháp quyết liệt của Chính phủ, thời gian qua, nhiều hoạt động thiết thực được triển khai mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị, ở các cấp, các ngành và các địa phương để cùng chung sức chống lại dịch bệnh. Đặc biệt, khối đại đoàn kết toàn dân tộc một lần nữa được phát huy và nhân lên trong cuộc chiến chống dịch. Các phong trào ủng hộ quỹ phòng, chống dịch Covid-19 được nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia tích cực. Nhiều mô hình, hoạt động “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” được triển khai sâu rộng trong nhân dân nhằm chia sẻ với lực lượng tuyến đầu chống dịch, những người có hoàn cảnh khó khăn với mục tiêu mà Đảng, Nhà nước xác định rõ ràng từ những ngày đầu của cuộc chiến là “không ai bị bỏ lại phía sau”. Sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ, hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, lực lượng y tế, công an, quân đội,... và sự chung sức, đồng lòng, chia ngọt, sẻ bùi, tương thân, tương ái của mỗi người dân Việt Nam đã tạo nên một sức mạnh nội lực to lớn từng bước đẩy lùi đại dịch Covid-19, đem lại sự bình an cho đất nước.

* * *

76 năm qua, học tập và làm theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc Lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn, thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc của toàn dân. Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vẫn còn rất nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta vững tin đất nước sẽ vượt qua thách thức để tiếp tục thực hiện thành công những mục tiêu mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

--------------------

 (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, Tr 3.

 (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr 534.

 (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr130.

(4) Khát vọng vì một Việt Nam cường thịnh, Báo Nhân dân điện tử, ngày 04/1/2020, https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/khat-vong-vi-mot-viet-nam-cuong-thinh-446384/

(5) Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết cùng chống dịch Covid – 19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 30-3-2020.

(6) Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống dịch Covid – 19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 29-7-2021.

TS Dương Minh Huệ - Học viện CTQGHCM


Tác giả: BAN XÂY DỰNG ĐOÀN
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: