Anh Lê Phát (29 tuổi) hiện là Bí thư Xã đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên VN xã Hòa Mỹ (H.Phụng Hiệp, Hậu Giang ). Dù không phải họ hàng nhưng anh Nguyễn Văn Đà (39 tuổi, ngụ ấp Mỹ Phú A) xem anh Phát như người thân.
Anh Đà kể, trước đây anh nuôi vịt không hiệu quả dẫn đến nợ nần. Bế tắc, anh đi làm thợ hồ, vợ đi làm thuê, 3 đứa con đều nghỉ học. Khi chưa biết bắt đầu lại từ đâu thì anh được anh Phát đề xuất tặng 7 con dê (6 cái, 1 đực) từ chính sách giảm nghèo của địa phương.
Tay ngang nuôi vịt chuyển sang nuôi dê nên anh Đà chưa có kinh nghiệm, lứa dê con đầu tiên hao hụt. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm, anh đã nuôi được đàn dê 14 con. Hỏi bí quyết, anh chia sẻ: "Ngoài tự học, tôi được anh Phát tạo điều kiện tham gia nhiều lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật; có cơ hội nghe kỹ sư chia sẻ, đồng nghiệp chỉ cách làm hay rất bổ ích. Từ hộ nghèo, tôi đã vươn lên thành hộ cận nghèo. Tôi cũng đang mở rộng chuồng để nuôi bán dê thịt".
Theo anh Phát, xã Hòa Mỹ là vùng nông thôn. Những lớp dạy nghề anh tổ chức tập trung vào đề tài chăn nuôi, trồng trọt. Với thanh niên địa phương, việc hỗ trợ cây giống, vật nuôi khó thể đáp ứng được hết. Vì vậy, anh rất chú trọng vấn đề khảo sát, chọn đúng người có đam mê, kiên trì và quyết tâm để hỗ trợ trước. Khi họ tạo được điểm sáng về khởi nghiệp sẽ tạo nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ noi theo.
Với suy nghĩ đó, 3 năm trước, anh Phát hỗ trợ làm thủ tục vay vốn khởi nghiệp giúp anh Trần Văn Bằng (ngụ ấp Mỹ Thành A). Với số tiền 40 triệu đồng, anh Bằng mua máy bơm, làm hệ thống nước cải tạo vườn. Trên diện tích 1 ha, anh nuôi cá hô kết hợp trồng chanh không hạt. "Hiện gần 400 gốc chanh cho trái tốt. Cứ nửa tháng, tôi thu hoạch trên 500 kg, thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Ngày đó, nếu không được anh Phát khuyến khích làm mô hình kinh tế này thì tôi khó có được niềm vui như hôm nay", anh Bằng bộc bạch.
Đến nay, anh Phát đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ 12 dự án khởi nghiệp. Trong đó, có 6 mô hình kinh tế cho thanh niên, 5 mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và 1 mô hình cho thanh niên hoàn lương. Anh Phát tâm sự: "Quá trình khởi nghiệp của thanh niên không phải luôn suôn sẻ. Áp lực nhất là khi nông sản rớt giá hay bị ảnh hưởng bởi thời tiết phải thu hoạch sớm hơn dự định. Những lúc này, tôi huy động thanh niên tình nguyện tổ chức chương trình giải cứu nông sản. Mọi người cùng vào vườn hái trái cây, kết nối các đầu mối ở chợ để bán với giá tốt hơn".Nhiều đợt giải cứu nông sản của anh Phát đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng bà con. Đáng nói là qua việc đồng hành với các bạn trẻ khởi nghiệp, anh đã níu chân nhiều thanh niên ở lại quê hương. Điều này giúp anh tập hợp được lực lượng tình nguyện đông đảo làm việc có ích cho cộng đồng, nổi bật là xây mới 4 tuyến đường giao thông (dài 6 km), vận động gần 180 đơn vị máu, lập 9 vườn ươm thanh niên. Với những thành tích nổi bật, anh Phát được nhận Giải thưởng 15 tháng 10 năm nay.