ĐẢM BẢO TÍNH MINH BẠCH TRONG TRUY XUẤT NGUỒN GỐC XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh đã được Đảng, Chính phủ xác định là giải pháp, xu hướng tất yếu để các đơn vị sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tồn tại và phát triển. Trong đó, truy xuất nguồn gốc là giải pháp thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm nông sản bằng các nền tảng số, tích hợp giá trị, tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân và người tiêu dùng.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, tại nhiều quốc gia trên thế giới, truy xuất nguồn gốc cho nhiều sản phẩm đã trở thành quy định bất thành văn với hàng hóa nhập khẩu và thói quen của người tiêu dùng, từ đó nâng cao hiệu quả cho sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế số, giúp doanh nghiệp khẳng định về sản phẩm, đáp ứng minh bạch thông tin sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
"Đây là phần 3 của chúng tôi, 2 phần trước chúng tôi đã triển khai hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc này. Tuy nhiên, 2 phần trước chúng tôi làm ở một công nghệ khác đó là ghi chép linh hoạt, do vậy chưa đảm bảo được yêu cầu về tính bảo mật, trung thực của dữ liệu. Đến phần 3, khi nâng cấp chúng tôi quyết định chuyển đổi công nghệ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc công nghệ Block Chain - đảm bảo tính xác thực, trung thực của dữ liệu về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm rất cao, bất kì sự thay đổi nào cũng phải được các bên liên quan chấp nhận và đạt được lòng tin người tiêu dùng cao".
Trước đó, thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch thực hiện "Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Có thể thấy, hoạt động truy xuất nguồn gốc này đang góp phần tạo nền tảng cho việc sản xuất và lưu thông hàng hoá trong nền kinh tế số, giúp doanh nghiệp đáp ứng quy định của quốc tế và quốc gia nhập khẩu, từ đó giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp Việt Nam.