Phía sau những thú chơi ngông
Mặc trang phục kiểu ngụy quân, tung lên mạng các hình ảnh, clip phản cảm; sản xuất, kinh doanh, sưu tầm trang phục, đồ dùng của lính Mỹ, ngụy trước năm 1975... Những hành vi phản cảm ấy đang diễn ra tràn lan trên không gian mạng.
Việc khoác lên mình sắc áo của kẻ xâm lược và chế độ tay sai bán nước đã bị lịch sử đào thải, không đơn giản chỉ là một thú chơi ngông, nông cạn về nhận thức. Mà đằng sau nó là âm mưu, thủ đoạn của những thế lực xấu, thù địch, làm phương hại lợi ích quốc gia, dân tộc, cần phải nhận diện, đấu tranh, loại bỏ...
Hành vi phản cảm và tư duy lệch lạc
Vào công cụ tìm kiếm Google, gõ các từ khóa: “Quần áo lính ngụy”, “trang phục lính ngụy”, “trang phục lính Việt Nam cộng hòa”, “quần áo lính Mỹ”... có đến hàng trăm nghìn kết quả. Cùng với đó là vô số các trang mạng, tài khoản cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội đăng thông tin, hình ảnh quảng bá, kinh doanh các loại mặt hàng này. Các hoạt động này diễn ra công khai trên không gian mạng. Từ môi trường này, các nền tảng mạng xã hội xuất hiện nhan nhản những cái gọi là nhóm, hội nhóm “Yêu đồ lính Việt Nam Cộng hòa”, “Yêu đồ lính Mỹ”... Cùng với sản xuất, mua sắm, sử dụng các loại trang phục mới, các thành viên của những hội, nhóm này còn kêu gọi, vận động sưu tầm trang phục và các loại vật dụng của lính Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam và đồ của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn. Họ coi đó như là một thú chơi “đẳng cấp”. Đồ càng độc, lạ, càng đắt tiền. Điều đáng nói, từ những hội, nhóm tự phát này, họ kêu gọi tụ tập nhiều người, mang mặc trang phục của ngụy quân Sài Gòn trước năm 1975, tổ chức diễu hành, đi đến các điểm du lịch, nơi công cộng, diễn lại cảnh hành quân của ngụy quân ngày xưa rồi quay clip, ghép hình ảnh, tung lên mạng. Trong rất nhiều những hình ảnh, clip ấy, nhiều người thể hiện thái độ ngông nghênh, lời nói lỗ mãng, cử chỉ dị hợm, hát hò và phát các bản nhạc, bài hát của chế độ ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn trước năm 1975, rất phản cảm, phản văn hóa, thể hiện sự nông cạn trong nhận thức của nhóm người này.
Ảnh minh họa / tuyengiao.vn |
Tại một số sự kiện văn hóa diễn ra ở một số nơi, hình ảnh phản cảm này cũng xuất hiện. Chẳng hạn trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài Hoa cúc biển diễn ra tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An trung tuần tháng 3 vừa qua, có khá nhiều người mặc trang phục rằn ri (giống với quân phục của lính ngụy), đem theo 5 chiếc xe Jeep và nhiều mô tô phân khối lớn để “hộ tống” các thí sinh. Dù sau đó, cơ quan chức năng đã có mặt yêu cầu nhóm người này giải tán, nhưng những hình ảnh phản cảm của trò lố này được nhiều người ghi lại, lan truyền trên không gian mạng đã gây bức xúc dư luận xã hội. Tương tự, tại một số hoạt động có đông người tham gia như đám cưới, lễ hội, họp mặt... không ít người đã lợi dụng sự kiện để mang mặc trang phục lính ngụy, hát nhạc của chế độ tay sai bán nước.
Những hoạt động phản cảm nêu trên diễn ra từ lâu. Thời gian gần đây, với tiện ích công nghệ và sự tương tác mạnh mẽ trên các nền tảng không gian mạng, những trò lố này được một bộ phận không nhỏ người dùng mạng xã hội khuếch trương, rủ rê, lôi kéo người khác cùng tham gia, trở thành chủ đề được bàn tán xôn xao trên các nền tảng mạng xã hội, gây bức xúc dư luận. Đặc biệt là trong những ngày tháng Tư lịch sử, khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tổ chức các hoạt động kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; những hoạt động phản cảm nêu trên đã ảnh hưởng xấu đến môi trường văn hóa công cộng và đời sống văn hóa tinh thần của toàn xã hội. Điều đáng lưu ý là trong nhiều trò lố ấy, họ còn lôi kéo, tổ chức cho các em, các cháu tuổi thiếu niên, nhi đồng tham gia. Các dịch vụ kinh doanh đồ lính ngụy cũng ra rả thông tin quảng cáo các loại trang phục dành cho trẻ em...
Diễn biến của những chiêu trò phản cảm này cho thấy, đây không còn đơn thuần là kiểu chơi ngông, chơi trội, dị biệt, thể hiện tư duy, sở thích lệch lạc, lệch chuẩn... của một số người. Đằng sau những trò lố phản cảm ấy là những toan tính thâm độc của những đối tượng có tư tưởng cực đoan, thù địch, muốn lợi dụng chiêu trò để thực hiện mục đích chính trị, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đời sống nhân dân. Thời gian qua, một số thành phần cực đoan chính trị đã lợi dụng chủ trương hòa hợp dân tộc, đấu tranh bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa để lên tiếng đòi Đảng, Nhà nước công nhận lính ngụy tử trận là “liệt sĩ”. Trong nhiều diễn đàn trên không gian mạng, họ kêu gọi cộng đồng làm sống lại các “giá trị” của chính quyền tay sai bán nước ở Sài Gòn trước năm 1975. Họ rêu rao rằng, chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ nhưng “tinh thần Việt Nam Cộng hòa” vẫn sống mãi. Cách để lan truyền tinh thần ấy là thông qua trang phục, âm nhạc, các hoạt động nghệ thuật... Rõ ràng, những hành vi phản cảm không đơn thuần chỉ là trò lố, mà nó đã và đang biến tướng, trở thành hình thức, phương tiện để các đối tượng bất mãn, cực đoan, có tư tưởng thù địch với Nhà nước, với chế độ lợi dụng để thực hiện các hành vi đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc.
Chủ động đấu tranh, ngăn chặn
Trước sự biến tướng của những trò lố nêu trên, chính quyền, cơ quan chức năng một số địa phương đã có biện pháp chấn chỉnh. Mới đây, Công an tỉnh Quảng Ninh đã khuyến cáo người dân trên địa bàn cần nhận thức rõ những hành vi phản cảm nêu trên là hành động cổ xúy, kích động hận thù, khơi dậy nỗi đau chiến tranh, thể hiện âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Người dân cần nêu cao cảnh giác, chủ động nhận diện, phát hiện và phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đấu tranh, ngăn chặn những hành vi sử dụng trang phục lính Mỹ, ngụy, tổ chức các hoạt động phản cảm, gây bức xúc, phẫn nộ dư luận. Tại Đà Nẵng, Công an quận Thanh Khê phối hợp với các lực lượng chức năng cũng vừa xử lý hành chính một trường hợp kinh doanh trái phép hàng không rõ nguồn gốc. Đối tượng này là một trong những thành phần nổi tiếng của các hội, nhóm “Yêu đồ lính Việt Nam Cộng hòa”. Số hàng không rõ nguồn gốc đối tượng này nhập về là trang phục và các loại vật dụng có mẫu mã, kiểu dáng giống đồ lính ngụy Sài Gòn trước năm 1975. Từ vụ việc này, Công an TP Đà Nẵng cũng khuyến cáo người dân nêu cao cảnh giác, chủ động phát hiện, phối hợp với cơ quan chức năng đấu tranh, ngăn chặn các hành vi phản cảm, tàng trữ, kinh doanh trái phép hàng hóa không rõ nguồn gốc...
Trước đó, tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), từ thông tin của nhân dân, chính quyền và cơ quan chức năng địa phương đã kịp thời ngăn chặn, xử lý một trường hợp sử dụng trang phục, vật dụng của ngụy quân để kinh doanh. Theo đó, đối tượng này mở quán cà phê, cho nhân viên mặc trang phục ngụy quân, lắp đặt các mô hình lô cốt, ụ súng, trưng bày hình ảnh chiến trường, vật dụng của quân đội ngụy Sài Gòn trước năm 1975. Sau khi được chính quyền, cơ quan chức năng địa phương vận động, đối tượng đã nhận thức rõ hành vi sai trái của mình, tự nguyện tháo dỡ, gỡ bỏ các hình ảnh, mô hình phản cảm và cam kết không tái phạm...
Thực tế cho thấy, một số người do tâm lý tò mò, thích bắt chước, thích thể hiện... đã bị các đối tượng xấu lôi kéo vào những chiêu trò phản cảm. Khi được giáo dục, giải thích, nhận thức rõ vấn đề, họ tự giác sửa sai, khắc phục. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp vì mục đích kiếm tiền, họ tham gia vào các hội, nhóm để kinh doanh online, buôn bán trang phục, vật dụng có màu sắc, mẫu mã giống quân phục của lính Mỹ và ngụy quân Sài Gòn. Việc tận dụng không gian mạng kinh doanh các loại mặt hàng này gây tác hại khôn lường, bởi nó là một trong những tác nhân “kích cầu” các hành vi sử dụng các loại trang phục, vật dụng này trong đời sống xã hội. Việc kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi kinh doanh trái phép hàng không rõ nguồn gốc theo quy định của pháp luật cần được đẩy mạnh thực hiện ở tất cả địa phương nhằm góp phần đấu tranh, ngăn chặn những hành vi phản cảm, độc hại trong đời sống xã hội.
Những ngày này, cả nước ta diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 48 năm đất nước thống nhất, hướng tới đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025). Trong bầu không khí tự hào, đoàn kết, hòa hợp dân tộc của ngày hội non sông, các đối tượng bất mãn, cực đoan chính trị và thế lực thù địch cũng ra sức đẩy mạnh các hoạt động kích động hận thù, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác. Chúng ta không thể chấp nhận và kiên quyết không để các đối tượng xấu, thế lực thù địch dụ dỗ, lôi kéo, lợi dụng thực hiện các hành vi phản cảm, vi phạm pháp luật, phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Không để những chiêu trò lố bịch làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống văn hóa và tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn. Khi phát hiện các hành vi tụ tập đông người, mang mặc trang phục kiểu lính Mỹ, ngụy quân Sài Gòn trước năm 1975 diễu hành, gây rối, cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng địa phương để phối hợp ngăn chặn, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Cần chống thái độ bàng quan, thờ ơ, thụ động trước những hành vi sai trái...
Theo QĐND