A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Anh Thắng đam mê nuôi dúi

Anh Đỗ Xuân Thắng (SN 1996) ở tổ dân phố số 5 (thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên) bước đầu thành công với nghề nuôi dúi.

Sinh ra và lớn lên ở thị trấn Tân Uyên nhưng từ năm 2017-2018, anh Thắng làm công nhân ở thủ đô Hà Nội. Nhiều lần đi ăn uống ở các nhà hàng, thấy món ăn chế biến từ con dúi rất hấp dẫn và đắt, anh đã cùng với bạn thuê đất để dựng chuồng trại nuôi nhiều con vật như: dế, chim, rắn mối, gà tre/chọi, ruồi lĩnh đen, sóc bay Úc, sóc Hoàng Đế, chuột lang và dúi. Nuôi nhiều loại con vật như vậy, kể cả sinh sản lẫn làm ấu trùng, tạo nguồn thức ăn cho vật nuôi, song việc nuôi không tốn kém và đem lại hiệu quả kinh tế nhất vẫn là nuôi con dúi.

Anh Đỗ Xuân Thắng giới thiệu con dúi nặng nhất đàn.

Theo chia sẻ của anh Thắng, chưa có tài liệu khoa học nào nghiên cứu về kỹ thuật chăm sóc cũng như phòng chống dịch bệnh cho dúi, vì vậy, nuôi dúi vừa dễ, lại vừa khó. Dễ vì nguồn thức ăn có phần đơn giản, lấy từ tự nhiên (thân cỏ voi, cây ngô, nứa, tre); bản tính của dúi thuần không hung hãn như dúi hoang và nó rất sạch. Vì vậy công sức vệ sinh, dọn chuồng cũng không tốn kém. Nhưng sẽ khó nếu chưa quen đặc tính cũng như chưa có kinh nghiệm nuôi loài này. Kể cả như anh Thắng từ yêu thích, mua nuôi làm cảnh cho đến bây giờ nuôi dúi sinh sản, thương phẩm làm hàng hóa thì thành công của anh ngày hôm nay cũng trải qua không ít thất bại. Và cũng nhờ đó, mỗi lần thất bại anh lại đúc rút nhiều kinh nghiệm quý để chăm sóc dúi tốt hơn.

Năm 2020, anh Thắng quyết định trở về quê hương lập nghiệp với nghề nuôi dúi. Anh mang 100 con giống đang được nuôi từ chuồng trại ở Hà Nội lên và nhập thêm 120 con. Số con giống anh đã nuôi thuần một thời gian sau khi về Lai Châu thì thích nghi ngay với môi trường, khí hậu vì loài này rất ưa khí hậu mát mẻ (khoảng dưới 30oC). Tuy nhiên, với lứa dúi nhập thêm khi mang về thì hao hụt đi nhiều vì chúng đã quen với môi trường điều hòa (khí hậu miền xuôi vào mùa hè nóng nực nên thường xuyên phải dùng điều hòa hạ nhiệt). Dúi không sinh sản được nên anh Thắng phải chọn lọc để bán thương phẩm. Đến nay, tổng đàn dúi của gia đình anh Thắng có khoảng 200 con bố trí ở 180 chuồng, trong đó khoảng 130 con sinh sản. Con nặng cân nhất 3kg. Nhiều lứa dúi có thể đẻ ra loài đột biến, quý hiếm nên giá có thể lên tới 35 triệu đồng/4 con.

Được biết, đối với dúi sinh sản, một năm sinh sản 3 lần, khi dúi đủ tháng tuổi để bán (tối thiểu 3 tháng) có giá 1,2 triệu đồng/cặp (đực, cái) và tăng dần tiền theo trọng lượng. Anh Thắng cho biết, nguồn cung cấp dúi giống, thương phẩm hiện nay không đủ cầu, khách mua hầu hết ở tỉnh miền xuôi. Song ông chủ nuôi dúi cũng rất “khó tính” khi bán vì anh yêu cầu khách mua phải tận mắt chứng kiến dúi được chăm sóc, nuôi ra sao. Nếu mua tại chuồng nuôi của gia đình anh Thắng sẽ hiểu rõ cách chăm sóc và phòng bệnh. Đồng thời việc phân chia tỷ lệ con đực, cái để phối giống cũng rất quan trọng.

Muốn gây được 1 con giống đực phải mất cả năm, khi phối giống chỉ được ghép 2 con đực với 3 con cái thì chất lượng giống mới đảm bảo. Đồng thời, khi ghép đôi cũng phải theo dõi xem chúng có hòa hợp được không, nếu không sẽ cắn nhau gây thương tích, nhiễm trùng vết thương và chết. Quá trình chăm sóc chú ý lúc dúi ăn, theo dõi xem có ăn hết thức ăn theo khẩu phần hay chưa, nếu không hết có thể làm cho dúi bị bệnh.

Chưa được 1 năm đưa giống dúi vào nuôi song anh Thắng đã thu về 100 triệu đồng. Vừa qua, dúi tiếp tục sinh sản lứa mới và đang sinh trưởng phát triển tốt song anh Thắng cho hay sẽ tiếp tục gây giống để mở rộng quy mô lên khoảng 1.000 chuồng.

Mong rằng tuổi trẻ với nhiều ước mơ, hoài bão, dám nghĩ, dám làm của anh Đỗ Xuân Thắng sẽ giúp anh vững vàng phát triển kinh tế.


Nguồn: Báo Lai Châu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thư viện ảnh
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử: