Thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong đoàn viên, thanh niên khối trường học
Trong tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo hiện nay thì đổi mới giáo dục phổ thông đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu của hoạt động nghiên cứu khoa học, là sân chơi bổ ích giúp các em áp dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống, học đi đôi với hành; tiếp cận, làm quen với phương pháp, kỹ năng nghiên cứu khoa học; tạo sự tự tin, tìm tòi và sáng tạo; rèn luyện cách làm việc tự lực, làm việc nhóm, tính tích cực, chủ động, hứng thú trong học tập và sinh hoạt. Từ đó phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh ở một số môn học có liên quan, phát hiện các tài năng để bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Không những thế, nghiên cứu khoa học trong nhà trường là một trong những nội dung được đẩy mạnh, nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục. Để phát huy những lợi ích trên, hoạt động nghiên cứu khoa học phải được chú trọng ngay trong độ tuổi học trò, có như vậy mới có cơ sở xây dựng và phát triển được đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Trong những năm qua, nhận thức được vị trí quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên khối trường học. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã thường xuyên phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh; chỉ đạo các huyện, thành đoàn và đoàn trực quan tâm, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ mang tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Tạo môi trường, động lực cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích, sáng tạo trên nhiều lĩnh vực: Học tập, nghiên cứu khoa học, hoạt động xã hội ...
Nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong đoàn viên, thanh niên khối trường học ngày 15/11/2019 Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã đến thăm quan và trao số tiền 2.000.000đ cho công trình nghiên cứu “Cải tiến mô hình quả địa cầu” cho 02 học sinh trường THPT Lê Quý Đôn.
Giới thiệu về mô hình Cải tiến quả địa cầu: Với cấu tạo khá đơn giản, mô hình quả địa cầu gồm 3 phần: Quả địa cầu, trục giá đỡ, giá đỡ. Nhóm nghiên cứu đã cải tiến thêm, hệ thống múi giờ từ chất liệu là giấy bóng kính có kích thước 55x1 (cm) có dán số từ 0 - 23 bằng đề can đỏ và được dán cố định vào đường Xích đạo, do vậy khi trái đất chuyển động múi giờ chuyển động theo. Hệ thống giờ làm bằng chất liệu meka trong, dẻo, dễ uốn tròn có kích thước 60x1 (cm) có dán số từ 1 - 24 bằng đề can màu xanh và được dán cố định vào trục giá đỡ, khi trái đất chuyển động hệ thống giờ giữ nguyên. Khi vận hành quay trái đất quanh trục theo hướng từ Tây sang Đông để xác định giờ và các múi giờ. Sự vận động của trái đất quanh mặt trời theo một quỹ đạo hình elip, nhóm nghiên cứu đã tận dụng vành xe đạp uốn hình elip tượng trưng cho quỹ đạo, mô tơ điện loại 12V, túp năng quạt, sắt vụn... để tạo bộ máy giúp trái đất chuyển động trên quỹ đạo theo hướng từ Tây sang Đông. Trái đất tự quay quanh trục theo hướng từ Tây sang Đông bằng mô tơ loại 6V và sử dụng nguồn điện pin 6V và 1 công tắc điện. Mặt trăng quay quanh trái đất bằng loại mô tơ 6V và sử dụng nguồn điện pin 1,5V để tốc độ quay chậm hơn mô tơ của trái đất và 1 công tắc điện. Sáng chế mặt trời bằng đèn tích điện loại 8W, chụp bóng đèn bằng quả bóng nhựa đỏ và 1 công tắc điện. Sáng chế thêm mô hình quả địa cầu có thêm hệ thống vòng chỉ múi giờ và vòng chỉ giờ, hệ thống chuyển động bằng mô tơ theo hướng từ Tây sang Đông để ở bàn học, bàn làm việc... rất thuận tiện và dễ sử dụng.